Trên cơ sở khái niệm cải cách, đã có nhiều khái niệm về cải cách hành chính được đưa ra như sau:– “Cải cách hành chính có thể hiểu là một quá trình thay đổi cơ bản, lâu dài, liên tục bao gồm cơ cấu của quyền lực hành pháp và tất cả các hoạt động có ý thức của bộ máy nhà nước nhằm đạt được sự hợp tác giữa các bộ phận và các cá nhân vì mục đích chung của cộng đồng và phối hợp các nguồn lực để tạo ra hiệu lực và hiệu quả quản lý và chất lượng các sản phẩm (dịch vụhoặc hàng hoá) phục vụ nhân dân thông qua các phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực. Hiểu theo nghĩa này, cải cách hành chính là những thay đổi được thiết kế có chủ định nhằm cải tiến một cách cơ bản các khâu trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước từ việc: lập kế hoạch; định thể chế; tổ chức; công tác cán bộ;tài chính; chỉ huy; phối hợp; kiểm tra; thông tin; và đánh giá. Cũng có thể hiểu cải cách hành chính là một quá trình thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hành chính, cải tiến tổ chức, chế độ và phương pháp hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới trong lĩnh vực quản lý của bộ máy hành chính nhà nước”
– Một số tác giả khác lại nhấn mạnh việc nâng cao hiệu suất, cải tiến chế độ và phương thức hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới. Họ cho rằng: “cải cách hành chính là quá trình lâu dài và liên tục nhằm nâng cao hiệu suất hành chính, cải tiến chế độ và phương thức hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới trong phạm vi quản lý của hệ thống các cơ quan thực thi quyền hành pháp cũng như tất cả các hoạt động có ý thức của bộ máy nhà nước”
– Khi đi sâu nghiên cứu về nội dung cải cách nền hành chính, một số tác giả cho rằng: “cải cách hành chính đề cập đến những thay đổi trong toàn bộ hệ thống hành chính công, nó bao gồm toàn bộ việc tổ chức lại các bộ, xác định nhiệm vụ và chức năng của các đơn vị hành chính, cải tiến các phương thức và thủ tục, đào tạo cán bộ…; Cải tiến sự phối hợp ở cấp cao hơn của chính phủ. Mọi sự cải tiến cơ cấu, thủ tục, năng lực và động cơ của cán bộ với mực đích nâng cao năng lực quản lý và tổ chức của các tổ chức công cũng được xem là cải cách hành chính theo nghĩa này”
– Trong Từ điển hành chính, “Cải cách hành chính là hệ thống những chủ trương, biện pháp tiến hành những sửa đổi, cải tiến mang tính cơ bản và có hệ thống nền hành chính nhà nước (hay còn gọi là nền hành chính công, nền hành chính quốc gia) về các mặt: Thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ công vụ, quy chế công chức, năng lực, trình độ, phẩm chất phục vụ của đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy đó”
Cải cách hành chính là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu nhất định, được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cải cách hành chính không làm thay đổi bản chất của hệ thống hành chính, mà chỉ làm cho hệ thống này trở nên hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn; các thể chế quản lý nhà nước đồng bộ, khả thi, đi vào cuộc sống hơn; cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính hiệu quả, hiệu lực hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của một quốc gia.
Từ các khái niệm và cách nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau có thể tổng kết lại như sau:Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.
Chính phủ chọn cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính bởi các lý do sau đây:
– Thứ nhất,cải cách thủ tục hành chính là một nội dung của cải cách hành chính, nhưng là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp, cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế.
– Thứ hai,trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn nên chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như: cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy… thì việc lựa chọn khâu cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
– Thứ ba,thông qua cải cách thủ tục hành chính, chúng ta có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; qua đó chúng ta có thể xây dựng bộ máy phù hợp và từ đó có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu công việc.
– Thứ tư,cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp của bộ máy hành chính; thực hiện chính phủ điện tử, …
– Thứ năm,cải cách thủ tục hành chính có tác động to lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
– Thứ sáu,việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng trước cộng đồng trong nước và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam cũng như của các địa phương về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đây là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cụ thể là có ảnh hưởng tích cực đến việc đầu tư trong và ngoài nước, xuất nhập khẩu, việc làm, an sinh xã hội…